Chợ Đồng Xuân Center Berlin sôi sục truyền thông Đức

Chủ đề đều tập trung vào dự án mở rộng chợ Đồng Xuân Center Berlin với những điểm chính tranh cãi, qua phỏng vấn, ý kiến trả lời của chủ nhân chợ Đồng Xuân Berlin, ông Nguyễn Văn Hiền, nhà chức trách và dư luận nhiều chiều, được Toà soạn Đức Việt Online trích giới thiệu dưới đây:

Nhà số 18 chợ Đồng Xuân Berlin hoạt động không đủ giấy phép

Bài báo đầu tiên là của tờ neues Deutschland. Đây là bài báo „khai hỏa“ làm dư luận xôn xao, nhất là những người đang hoạt động kinh doanh buôn bán trong khu chợ này, khi bà Birgit Monteiro (Đảng SPD) - Nghị viên Hội đồng quận Lichtenberg phụ trách về xây dựng – cho biết: “Nhà lồng số 18 (cái vỏ bên ngoài) được cấp giấy phép cho xây dựng vào năm 2018, nhưng còn thiếu „giấy phép xây dựng bên trong nhà lồng“.

Cũng theo lời nữ chính trị gia này, người chủ xây dựng đã không đặt đơn xin phép xây dựng cần thiết trước khi đưa vào hoạt động. Bởi vậy, chính quyền quận Lichtenberg đã hoàn toàn bất ngờ khi đi kiểm tra thường kỳ vào tháng 11 năm 2018 thấy nhà lồng chợ đồ sộ này đang hoạt động hết công suất. Một thủ tục phạt tiền đã được tiến hành. “Chủ chợ Đồng Xuân ngay sau đó đã đặt đơn bổ sung xin phép xây dựng, để được hợp pháp hoá. Hiện tại đơn đang được xem xét”, bà Monteiro giải thích.

Theo sưu tra của nhật báo Đức Neues Deutschland, khi chính quyền quận Lichtenberg phát hiện được vào tháng 11 năm 2018, thì nhà lồng chợ này đã hoạt động tròn 6 tháng. Trên những tờ báo mạng tiếng Việt có đăng hàng loạt bài báo và video tường thuật lại buổi lễ khai trương khánh thành Halle 18 với sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam. Hàng tháng trời các cửa hàng trong Halle 18 hoạt động kinh doanh tấp nập, mà trước khi phát hiện, chính quyền quận không mảy may hay biết.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng dự lễ khai trương Halle 18 được tổ chức ngày sinh nhật Hồ Chí Minh 19.05.2018.

Một công chức quận, hiện đã về hưu nhưng trước kia từng giải quyết những thủ tục hành chính của khu chợ Đồng Xuân, nhận ra ngay đây là kiểu làm việc đã quá quen thuộc: “Chủ khu chợ - một doanh nhân người Việt - tạo ra “chuyện đã rồi“, xây dựng bên trong mà không hề xin phép chính quyền. Tất nhiên sau này ông ta phải trả tiền phạt, nhưng chuyện đó chả là gì với ông ta cả. Một lúc nào đó „chuyện đã rồi“ sẽ được hợp pháp hoá. Ở đây chính quyền quận đang để cho một doanh nghiệp nhảy múa trước mũi“. Ông nêu một thí dụ: “Đúng ra, trong khu chợ này chỉ cho phép bán buôn (bán sỉ) thôi, vì thế nó được phép mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên việc bán lẻ từ lâu đã là một trụ cột thứ hai. Du khách cũng đến đây mua sắm”, nghĩa là không đúng mục đích bán buôn.

Cấm các cửa hàng ăn uống, tổ chức sự kiện

Tuy nhiên việc cho phép sử dụng nhà lồng chợ số 18 (Halle 18) bà Monteiro chỉ muốn hợp pháp hoá một phần mà thôi, như các cửa hàng bán quần áo được tạm cho phép hoạt động vì không muốn họ phải gánh chịu thiệt hại do lỗi của chủ khu chợ gây ra. Nhưng bà Monteiro sẽ không hợp pháp hoá các hoạt động kinh doanh ăn uống và các hoạt động tổ chức sự kiện trong Halle 18. “Về nguyên tắc các hoạt động này đã không được phép, kể cả sau này khi Halle 18 được cấp giấy phép xây dựng bên trong, thì các hoạt động này cũng không được phép”, bà Monteiro nhấn mạnh.

Đây là „một sự vi phạm lớn luật xây dựng, thậm chí còn nặng hơn nữa vì ông chủ khu chợ đã được quận thông báo biết rõ việc nào được phép và không được phép. Chính quyền quận Lichtenberg đang tiến hành thủ tục cấm tất cả các hoạt động kinh doanh ăn uống và tổ chức sự kiện tại Halle 18”.

Một nhà hàng trong Halle 18 tên là Kinh Đô có đến hơn 300 chỗ ngồi, thường tổ chức các sự kiện. Tại nhà hàng này trong những tháng qua đã diễn ra nhiều lần hàng tuần các buổi liên hoan gia đình, các buổi lễ chính trị với sự có mặt của Đại sứ Việt Nam và các buổi trình diễn ca nhạc. Cuối tuần tiếp, như tin trên mạng, sẽ có buổi gặp mặt của một Hội đồng hương. Dự kiến sẽ có hàng trăm người từ khắp nơi trên nước Đức sẽ đến dự. Ngoài nhà hàng Kinh Đô, trong Halle 18 còn có một cửa hàng Piza, một quán cà phê, một quán trà sữa và một quán ăn nhanh.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân, được tổ chức tại nhà hàng Kinh Đô. Chủ chợ Đồng Xuân, ông Nguyễn Văn Hiền, (mặc quần màu ka ki) đứng giữa.

Bà Birgit Monteiro viện dẫn việc cấm các cửa hàng ăn uống và tổ chức sự kiện buổi tối là căn cứ theo luật quy hoạch. Chợ Đồng Xuân nằm trong khu công, thương (Gewerbegebiet). Các buổi tổ chức sự kiện tạo ra „sự giao thông đi lại của nhiều khách tham dự, đó là điều không được phép trong khu vực dành cho Gewerbegebiet”.

Kinh doanh ăn uống trong khu Gewerbegebiet chỉ được phép hoạt động như căng-tin, chỉ để phục vụ cho các nhân viên làm việc tại các cửa hàng trong chợ Đồng Xuân. Các căng-tin ở các Halle khác đã quá đủ rồi. ”Mật độ căng-tin ở chợ Đồng Xuân có lẽ hiện nay là dày đặc nhất Berlin“, bà Monteiro cho biết.

Về ý nghĩa của luật quy hoạch này đang gây tranh cãi. Đối với chính quyền quận thì đó là căng-tin, nhưng đối với người Việt ở khắp nước Đức cũng như từ các nước láng giềng châu Âu thì đó là các nhà hàng (Restaurant) với các món đặc sản. Người Việt ở Stuttgart hay Warschau khi đến Berlin chơi cũng ghé qua khu chợ này để thưởng thức các món mang hương vị quê nhà.

Người chủ chợ Đồng Xuân Berlin không bày tỏ ý kiến về vụ việc, cũng như không trả lời những câu hỏi của tờ Neues Deutschland.

Chợ Đồng Xuân Berlin với những dự án mới

Khác với bài báo thứ nhất gây „xôn xao“ dư luận nêu trên, bài báo thứ hai của tờ Berliner Kurier được xuất hiện đưa ra những dự án lớn trong tương lai của ông Nguyễn Văn Hiền chủ chợ Đồng Xuân Berlin.

Ông Nguyễn Văn Hiền (61 tuổi) là một doanh nhân thành đạt, thành lập và làm giám đốc khu chợ Đồng Xuân Berlin. Từ trụ sở văn phòng trên đường Herzbergstraße, ông có có thể nhìn bao quát toàn bộ.

Ông cho biết, cách đây 16 năm, ông mua xí nghiệp VEB Elektrokohle và dựng lên chợ Asia-Markt lớn nhất nước Đức với 8 nhà mỗi nhà dài 200 mét. Không dừng lại đó, với dự án trị giá hàng triệu Euro, ông Nguyễn Văn Hiền sẽ đưa Đồng Xuân Center trở thành một khu phố Á châu đồ sộ „Asia Town“ với nhà ở, khách sạn, nhà văn hoá và nhà máy sản xuất sợi phở bún miến.

Dự án khu phố Á châu Asia Town

Ông cho biết, sẽ thực hiện nhiều dự án. Trên đường Herzbergstraße toà nhà Văn hoá trước đây của VEB Elektrokohle sẽ được cải tạo. Hai phần toà nhà vẫn còn đó, bây giờ sẽ được xây dựng lại. Nhà văn hóa gồm 2 tầng bên trên, bên dưới là một hội trường lớn có sức chưá 1000 người, tổ chức hội chợ, triển lãm, sự kiện, văn nghệ với các nghệ sỹ Việt Nam và Đức.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Tháng 4.2020 nhà văn hoá với trên chục triệu Euro đầu tư sẽ hoàn tất. Bên cạnh là khách sạn Đồng Xuân với 85 giường trị giá xây dựng chừng 5 triệu Euro. Ngoài ra còn một nhà ga ra ô tô.

Trên phố Landsberger Allee các chung cư sẽ được xây dựng. Trên phố Bernhard-Bästlein-Straße đối diện chợ Đồng Xuân, ông Hiền định xây một cao ốc có thể tới 10 đến 20 tầng. Theo ông Hiền, để có một khu phố Á châu sống động như một thành phố cần có nhà ở, khu mua sắm, nhà máy sản xuất sợi miến bún phở.

Sản xuất sợi phở bún miến ở Berlin

Ông Hiền kể đã quan tâm tới sợi bún miến phở từ lâu, mỗi tháng có chừng 300 Container nhập từ châu Á sang Đức. Các chợ thực phẩm Á châu, trong chợ Đồng Xuân cũng vậy đều bán miến bún phở khô. Kinh doanh miến bún phở là tốt nhất so với những gì có thể kinh doanh. Ông đặt câu hỏi, nhu cầu ở Đức rất lớn, tại sao phải nhập từ châu Á?

Từ 6 năm nay, ông đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy là một mong muốn lớn nhất của ông, tuy nhiên thực hiện khó hơn ông nghĩ, không phải ở tiền đầu tư. Dự án đã có, nhưng cái quan trọng nhất lại thiếu là công nghệ sản xuất. Ông đã đi các nước châu Á tìm hiểu, nhưng ít nhất tới nay vẫn chưa kết qủa.

Lichtenberg thủ đô người Việt ở Đức

Ông Hiền cho biết, tại Đồng Xuân Center hiện có 2000 thương gia người Việt, Indien, Pakistan, Türkei, Polen và China, kinh doanh quần aó, đồ điện sinh hoạt, thực phẩm Á châu. Toà nhà thứ 8, ông xây xong năm ngoái, mang số hiệu 18, một con số may mắn ở Á châu. Trong toà nhà này có nhà hàng, tiệm làm móng, làm đầu. Bảo hiểm, phiên dịch và dạy lái xe mở văn phòng ở đây, giao dịch bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt, một thế giới riêng. Phiá Đông xa xôi trở nên hoàn toàn gần.

Một số nói Đồng Xuân Center là Hà Nội thu nhỏ. Hướng dẫn viên du lịch ca ngợi quang cảnh đặc thù đó. Cuối tuần các nhóm cộng đồng Việt gặp nhau. 16.000 người Việt sống ở Berlin, thì Lichtenberg có 4000. Ông Hiền bảo „Lichtenberg là thủ đô của người Việt ở Đức“. Ông sang Đông Đức thời lao động hợp tác, làm đội trưởng trong xí nghiệp xây dựng Baukombinat Ost. Ông Hiền đang triển khai nhiều dự án: Tại Eiche, ông xây dựng một khu nhà vườn với 135 nhà, một khu khác tại hồ Zeuthener See. Một số nói rằng, ông Hiền là một trong những người Việt giàu nhất nước Đức. “Sở hữu những cái này thì có giá trị hơn tiền bạc”, ông Hiền nói. Đó là bạn bè, hạnh phúc và lòng biết ơn.

Dự án mới không phù hợp với quy hoạch của Quận

Nhưng sau khi đăng bài báo tường thuật về kế hoạch trên vào ngày 18/01/2019, thì tờ Berliner Kurier lại đăng tiếp một bài báo bổ sung những tình tiết khác ngày 22/01/2019.

Năm 2003, ông Hiền mua mảnh đất hiện tại rộng 170.000 m2 xây dựng nên khu chợ Đồng Xuân Center, khởi đầu với 3 nhà, tới hiện nay đã tăng lên 8. Nay ông Hiền muốn tạo lập một khu phố châu Á, Asia Town, như tờ Berliner Kurier đã đưa tin, nhưng hiện đang gặp rắc rối, liên quan tới cải tạo nhà văn hoá hoang tàn của xí nghiệp alte Elektrokohle-Kulturhaus xưa kia nằm cạnh cổng vào khu chợ, thành cung văn hoá, dự kiến khánh thành vào năm 2020 với trên 10 triệu Euro tiền đầu tư. Các sự kiện, lễ hội, ca nhạc với các nghệ sỹ Đức Việt, các hội chợ sẽ được tổ chức ở đây.

Bà Birgit Monteiro (Nghị viên Hội đồng quận Lichtenberg, phụ trách về xây dựng) cho biết rằng về Nhà văn hóa sẽ có những khó khăn trong việc cấp giấy phép cho việc sử dụng này. "Chính quyền thành phố Berlin có chính sách giữ khu vực này như một khu Gewerbe đặc biệt", bà Monteiro cho biết. Theo quan điểm của bà, các sự kiện văn hóa không có điểm gì chung với khu Gewerbegebiet.

Cũng liên quan đến việc tổ chức các sự kiện, nhà lồng chợ số 18 (Halle 18) mới xây vào năm 2018. "Nhà lồng chợ này (Halle 18) được cho phép hoạt động bán buôn (bán sĩ), không phải cho các buổi lễ tiệc tùng và sự kiện mà chúng tôi đã xác định được ở đó khi kiểm tra nhà hàng", bà Monteiro nói. „Không thể nào là chủ chợ nộp tiền mà chúng tôi bắt phạt và cứ tiếp tục tổ chức lễ tiệc tùng". Ông Hiền giải thích ngược lại: "Tôi có giấy phép cần thiết cho Halle này. Tôi biết rằng không có giấy phép thì không thể làm gì được, nếu không thì tôi không thể thực hiện ngay kế hoạch xây dựng của mình".

Khu Gewerbegebiet Asia Center và chung cư

Kế hoạch xây dựng khu phố Asia Town liên quan tới việc xây dựng các chung cư. Một cao ốc sẽ được xây dựng ở gần đường Bernhard-Bästlein-Straße bên cạnh một siêu thị. Liệu quận có cấp giấy phép trên đất của nhà máy công nghiệp bỏ hoang hay không vẫn còn là câu hỏi. "Người ta phải quyết định xem người ta muốn hoạt động công thương hay xây dựng chung cư trên khu vực này", bà Monteiro nói. Không có vấn đề gì khi ông Hiền xây dựng nhà máy sản xuất sợi miến mì phở. Hoạt động công nghiệp sản xuất thì hoàn toàn phù hợp với quy hoạch khu vực công thương ở đây của quận.

Ông Hiền dự kiến, kế hoạch khu thương mại mới sẽ được hoàn tất trong năm đến mười năm tới. Trong đó, Đồng Xuân Center đóng vai trò như một khu phố Á châu. Biển chỉ đường bằng 2 thứ tiếng Đức Việt cho biết lối đi đến các nhà hàng, quầy bán thực phẩm, tiệm làm đẹp, cửa hàng quần áo.

Khách hàng không chỉ những người Việt sống ở Berlin, mà người khắp mọi vùng thích tới đây thưởng thức các món ăn ngon, từ súp, đến phở mì miến, các món tôm, gà, giá lại rẻ, tất cả dưới 10 Euro. Tới đây như đi du lịch châu Á, giá chiếc áo hay chiếc nồi đều rẻ. Họ cho rằng mở rộng Asia-Center thật tuyệt.

Vấn đề chợ mở cả ngày Chủ nhật

Thương gia ở đây người thì cho rằng xây nhà ở tại đây rất quan trọng, để có chỗ ở cho nhân viên không phải đi xa. Người khác thì lo ngại trước kế hoạch mở rộng khu chợ, bởi hiện đã quá nhiều quầy bán quần áo.

Cuối tuần hàng trăm người khắp nước Đức tới đây thưởng thức quang cảnh chợ như trong nước họ. Các thương gia Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Âu cũng tới đó mua sỉ để về bán lẻ.

Bởi chợ châu Á này chủ yếu phục vụ các nhà bán buôn (nhà bán sỉ), nên nó được phép mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần. Nhưng vào những ngày này cũng có những khách hàng bình thường được phục vụ, như phóng viên tờ Berliner Kurier nhận thấy vào chủ nhật trước. Mặc dù có sự kiểm soát nhưng chính quyền quận dường như bất lực để chống lại. Ông Hiền chủ chợ Đồng Xuân muốn tìm một giải pháp với quận trong vấn đề này.

Đức Việt Online tập hợp

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang