Nóng chính trường EU: Bầu cử nhiệm kỳ Nghị viện Châu Âu 2019

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Họ sẽ chọn ra 96 gương mặt sáng giá trong tổng số 751 nghị viên toàn EU, đến từ 28 quốc gia với tổng dân số 512,7 triệu người trên một diện tích cư trú 4,41 triệu cây số vuông.

Lần này nước Anh vẫn được chia 73 ghế, vì quyết định rời Liên minh của họ, gọi là Brexit, sẽ dời lại sau kỳ bầu cử, nhưng vẫn chưa biết cụ thể thời điểm nào.

Sau Đức, quốc gia có số nghị viên nhiều thứ hai là Pháp với 74 đại biểu. Số lượng đại biểu được qui định theo số dân cư của từng nước. Nhưng EU cũng qui định rằng, những nước dù có rất ít dân, như Luxemburg hay Malta, thì tối thiểu họ cũng có 6 ghế trong nghị trường.

Quy định này đảm bảo cho nước nào cũng có đại diện, nhưng cũng tạo nên sự mất cân đối về tỉ lệ số lượng người cho mỗi đại diện tại mỗi nước.

Cũng chính vì sự không cân đối này, mà nguyên tắc về dân chủ không được hoàn hảo. Thế nhưng EU chưa tìm ra được một giải pháp tối ưu nào. Nếu để hoàn hảo thì tỉ lệ phải đồng đều. Giả sử mỗi nghị viên đại diện cho 100 ngàn người, thì EU phải có đến 5127 nghị viên. Số luợng này rất cồng kềnh. Làm việc thiếu hiệu quả và sẽ tốn nhiều tiền bạc. Vì lương mỗi tháng, chưa trừ thuế, của nghị viên EU là 8.757 €, và mỗi ngày dự họp được trả thêm 320 €. Chưa kể những khoản tiền bù lỗ khác.

Vì vậy EU vẫn giữ qui định chưa hoàn hảo trên. Chẳng hạn CHLB Đức, với dân số đông nhất 82,8 triệu người, thì mỗi đại biểu đại diện cho 860 ngàn dân. Nước Pháp có 66 triệu thì tỉ lệ này là 1 trên 890 ngàn người. Đảo quốc Malta vùng Địa Trung Hải, gia nhập EU từ năm 2004, có 430 ngàn dân cho 6 đại biểu, đạt tỉ lệ 1 trên 72 ngàn. Hay Luxemburg cũng có 6 đại biểu, dân số hơn 600 ngàn, mỗi đại biểu có 100 ngàn dân. Nước Áo gần 9 triệu dân, được chia 18 đại biểu, tỉ lệ này là 1 trên 500 ngàn dân.

Giả sử nếu nước Anh ra khỏi EU trước kỳ bầu cử lần này, thì số nghị viên chỉ còn 705 thay vì 751. Vì trong 73 ghế của Anh, EU chỉ bỏ đi 46 ghế, còn giữ lại 27 ghế chia thêm cho các nước khác, để giảm bớt đi phần nào sự mất cân đối.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Bầu cử tại Đức

Luật bầu cử quy định cử tri là những công dân từ 18 tuổi. Hợp pháp về cư trú. Không bị tước quyền bầu cử. Họ sẽ tự động có tên trong danh sách đăng ký của địa phương. Những người không thể đến phòng bỏ phiếu vì lí do nào đó, như tật nguyền, đau ốm hay vì công việc... được phép bầu bằng cách gởi thư, sau khi đã gởi đơn thông báo đến cơ quan tổ chức bầu cử, để được nhận phiếu bầu.

Người mù hay khiếm thị được Hội những người mù giúp đỡ, cung cấp các mẫu thiết bị phù hợp giúp việc bầu được thuận lợi.

Ở Đức lần này có tất cả 41 đảng phái của hơn 1300 ứng viên ra tranh cử. Chương trình hành động của họ phong phú về nhiều lãnh vực, như môi trường, tài chính, an ninh, quân sự, tị nạn, biến đổi Gen trong nông nghiệp, trợ cấp xã hội, mức lương tối thiểu, năng lượng nguyên tử, bảo vệ nhân quyền, tự do ngôn luận, nhà nước pháp quyền, tỉ lệ phụ nữ trong xí nghiệp và chính trị, qui định thí nghiệm trên thú vật, chức năng và quyền hạn của cảnh sát EU, hôn nhân đồng giới...

Để giúp cử tri nắm bắt thông tin kịp thời đầy đủ, Đức sử dụng phần mềm hỗ trợ có tên Wahl-O-Mat (www.wahl-o-mat.de), chưá 38 đề tài do các chuyên gia soạn thảo, được các ứng cử viên thông qua, gửi cho cử tri sử dụng 3 tuần trước ngày bầu cử.

Phần mềm Wahl-O-Mat này không nhằm khuyên bầu chọn ai, nhưng là một công cụ hiệu quả giúp các cử tri so sánh, tìm được đảng phái thích hợp với quan điểm của mình, sau khi đã nhấn vào các đề tài và lãnh vực mà họ đặc biệt quan tâm ghi trong đó.

Dưới đây là cương lĩnh, chủ đề tranh cử của một số đảng phái lớn Đức

CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Xã hội Thiên chúa giáo)

Mục tiêu đạt tới: An ninh, hoà bình và phồn thịnh cũng như những giá trị cốt lõi châu Âu.

SPD (Đảng Dân chủ Xã hội)

Đạt được mức lương tối thiểu bảo đảm căn bản cuộc sống, cân bằng mức thuế trong khối EU, chống kiểm soát biên giới giữa các nước EU, trả lương đồng đều không phân biệt giới tính, bảo vệ môi trường, ủng hộ cứu người lâm nguy trên vùng biển châu Âu.

FDP (Đảng Tự do Dân chủ)

Muốn cải tổ EU, bảo vệ tự do cùng những giá trị chung, xây dựng quân đội EU, đề ra chương trình hội nhập tốt hơn cho những người tị nạn được công nhận, các mục đích của hội nghị Paris đề ra về môi trường nên đạt được bằng sáng kiến và cạnh tranh.

Grüne (Đảng Xanh)

Bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử và điện than, giao thông xanh, bảo vệ động vật tốt hơn, bảo vệ người tị nạn tốt hơn, đồng thời giải quyết nguyên nhân gây ra tị nạn, phát triển giáo dục và sáng tạo.

AfD (Chọn lựa khác cho nước Đức)

Tăng sức mạnh quốc gia, chống việc đón nhận người tị nạn, phủ nhận sự biến đổi môi trường do người gây ra, coi việc bảo vệ môi trường là một sự lạc lối.

Linken (Đảng Thiên tả)

Xây dựng một EU tương trợ cho hàng triệu người, chống lại một EU của những người triệu phú, đấu tranh vì sự công bằng, dân chủ, chống lại thị trường, vì một nền kinh tế xã hội và môi trường, chống tư hữu hoá, chống đường biên giới khép kín quanh EU.

Các đảng phái nhỏ

Như Đảng Cộng Sản (DKP), Đảng Tình Yêu (Liebe), Đảng Màu tím (Violetten), Đảng Thu nhập Căn bản (BGE), Đảng Sáng tạo và Công bằng (BIG), Đảng Những người con Chúa (BC), Đảng Quý bà (Frauen), Đảng Báo xám (Graue Panther), Đảng Mác-Lê (MLDP), Đảng Vì động vật (PfdT), Đảng mang tên trùng với Cướp biển (Piraten), Đảng Con đường thứ 3 (Der 3. Weg) ...

Mong mỏi của người Việt

Là một công dân Đức gốc Việt, tôi đã nhận giấy mời đi bầu cách đây 2 tuần, gởi qua đường bưu điện. Địa chỉ phòng bỏ phiếu tại một trường học ở ngay đầu ngõ.

Đảng tôi chọn sẽ là đảng có khả năng tạo nên những điều tốt đẹp. Đó là dân chủ, hòa bình, tự do, công bằng và thịnh vượng. Một nền học thuật tự do và rộng mở. Một môi trường sống trong sạch, đạo đức và chân thật - cho tôi, cho gia đình cùng những người tôi yêu mến, và đặc biệt cho con cháu mai sau.

Sa Huỳnh – Berlin, 17.05.2019

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang